Độ tuổi nào nên được đi học và tại sao con lại sợ đi học đến vậy? 

Các bé đến tuổi đều nên được đi học. Nhiều gia đình cho rằng việc đi học nên được trì hoãn đến lúc bé lớn hơn, bé biết nhiều hơn, bé khỏe hơn… Do đó, ông bà bố mẹ thường cho con bắt đầu đi mẫu giáo, nhà trẻ khi đã ngoài 2-3 tuổi, thậm chí có gia đình để con 4-5 tuổi mới đến trường. Việc khi nào cho bé đi học hoàn toàn là do quyền quyết định từ phía gia đình, đặc biệt là những gia đình không có điều kiện tốt, lại có người nhà trông thì việc để bé ở nhà cùng ông bà có thể tiết kiệm một khoản chi tiêu trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn có thể, hãy để con được đến trường, ngay khi con sẵn sàng.
Tôi nhận được nhiều câu hỏi như: Nhưng con mình đi học bé thường khóc ghê lắm nên mình không nỡ, con còn bé quá (chưa đến 2 tuổi) nên muốn cho bé cứng cáp hơn, con sợ bị quát, con hay đánh bạn, con nhút nhát… nên đều chưa muốn con đến trường.
Trước hết, bạn nên hiểu một chút về một đặc tính của con sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian bắt đầu đi học: NỖI LO CHIA CẮT (Separation Anxiety – SA). Thực tế, bé đã biết đến sự lo sợ chia cắt này trong khoảng 9-12 tháng tuổi. Khi bé ở độ tuổi này, bạn sẽ thường thấy bé hay khóc khi mẹ vắng mặt, hoặc muốn bò đi tìm người thân… Đây hoàn toàn là một sự phát triển tâm sinh lý bình thường mà mỗi đứa trẻ đều trải qua trong đời.
Tuy nhiên, khi bé bắt đầu đi học, SA sẽ diễn ra dữ dội và bé sẽ phản ứng mãnh liệt hơn. Thay vì bạn chỉ cách bé một bức tường hoặc rời xa bé vài phút, đi học đồng nghĩa với việc bé sẽ thiếu sự xuất hiện của bạn trong khoảng thời gian rất lâu (so với bé).
Khóc lóc dữ dội, bỏ ăn bỏ ngủ, lầm lì ít nói… là những biểu hiện thông thường của các bé. Thật may mắn nếu em bé của bạn thích nghi nhanh, nhưng phải công nhận sẽ rất đau lòng và sốt ruột nếu con mãi vẫn chưa chịu hòa đồng cùng lớp học. Chính vì lẽ đó, rất nhiều phụ huynh, sau vài ngày con đi học không có tiến triển đã vội vàng quyết định cho bé nghỉ ở nhà thêm một thời gian nữa. Số ít tệ hơn còn trách móc cô giáo vì đã không giúp bé hòa nhịp được cùng với các bạn trong lớp. Dù thế nào đi chăng nữa, việc cho con đi học vài ngày rồi lại thôi là một quyết định không hề đúng đắn. Bố mẹ hãy cân nhắc thật kĩ càng trước khi cho con đi học, nếu quyết tâm, hãy làm đến cùng. Bất cứ hành động dở dang nào của bố mẹ trong việc cho con đi học nói riêng và trong quá trình nuôi dạy con nói chung đều ảnh hưởng tâm lý không hề nhỏ tới chính đứa con của bạn.
VẬY KHI NÀO LÀ THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP ĐỂ BÉ ĐẾN TRƯỜNG?
Theo các nghiên cứu về SA, 2 thời điểm thuận lợi nhất để bạn có thể gửi bé đến lớp là: 2-3 tuần trước khi bé 13 tháng tuổi và 2-3 tuần sau khi bé được 18 tháng tuổi. Vì đây là hai thời điểm bé sẽ trải nghiệm và nhận thức khá rõ ràng về SA.
Tuy nhiên, với góc nhìn của một người mẹ đã nghiên cứu rất kĩ về lịch sinh hoạt của con, tôi cho rằng trước 13 tháng tuổi là hơi sớm để cho con đi lớp. Trong khoảng thời gian từ 7-14 tháng, phần lớn các bé đều sẽ cần tối thiểu 3 giấc ngủ/ngày (trong đó có 2 giấc ngày và 1 giấc đêm). Đi học đồng nghĩa với việc bé sẽ bị cắt mất 1 giấc ngày một cách đột ngột. Tôi đã từng thấy có những bạn nhỏ đi học ngay sau sinh nhật 1 tuổi, hàng ngày đến lớp con vật vờ, uể oải vì thiếu ngủ và đến khoảng 10 giờ trưa, khi các bạn bắt đầu ăn cơm thì con lăn ra ngủ vì không thể chịu nổi nữa. Rồi cứ như thế, nhịp sinh hoạt của bé luôn chậm hơn với các bạn một nhịp vì lẽ cơ thể con chưa thực sự sẵn sàng để đón nhận sự thay đổi đột ngột này. Sau 14-15 tháng, khi cơ thể bé đã có thể thích nghi với việc chỉ ngủ một giấc ngày, bạn có thể dần dần thay đổi lịch sinh hoạt của con. Và 18 tháng chính là thời điểm đẹp nhất để con có thể được đến trường cùng các bạn.
Nói như vậy không có nghĩa bé 1 tuổi không nên đến trường. Càng ngày càng có nhiều bố mẹ có quan điểm rằng cho con đi học càng sớm càng tốt. Không sai. Nhưng nếu như vậy, bạn hãy cố gắng luyện cắt bớt 1 giấc ngủ ngày cho bé trước khi đi học. Để chính tay người bố người mẹ được làm việc đó chứ không phải để cô giáo hoặc để con tự loay hoay tìm cách thích nghi với các bạn ở lớp. Dĩ nhiên, cô bé đi học từ 1 tuổi mà tôi nhắc đến ở trên, sau 1-2 tháng cũng đã dần quen với lịch sinh hoạt ở lớp cùng các bạn nhưng đặt mình vào địa vị của bé, tôi chắc hẳn con đã phải gồng mình để thay đổi, không hề dễ dàng với một em bé đi còn chưa vững.
Có những em bé sinh ra đã mang trong mình sự thích nghi cực kỳ nhanh nhưng cũng có những bé phải khóc lóc đến cả tháng trời. Tuy nhiên, nếu biết về SA và những giai đoạn của SA, bạn có thể cho đến lớp vào những khoảng thời gian thích hợp để giảm thiểu tối đa nỗi sợ hãi xa mẹ của bé.

Bùi Thị Oanh